Điện ảnh Triều Tiên trước Chiến tranh thế giới thứ hai Điện_ảnh_Triều_Tiên

Giai đoạn sơ khai: Trước năm 1926

Người đưa kỹ thuật điện ảnh vào Triều Tiên là một nhà du hành người Mỹ tên là Burton Holmes[1]. Vào năm 1899, ông đã trình chiếu trước Hoàng gia Triều Tiên những thước phim đầu tiên[2]. Buổi trình chiếu phim rộng rãi đầu tiên trước công chúng Triều Tiên diễn ra vào tháng 6 năm 1903, là một đoạn phim quảng cáo cho việc xây dựng tuyến tàu điệnSeoul do một công ty Mỹ thực hiện[2]. Rạp phim đầu tiên của Hàn Quốc, rạp Tongdaemun hwaldong sajinso cũng được mở cửa trong năm 1903[3], tháng 11 năm 1907 một rạp phim khác, rạp Dansung-sa được mở tại Seoul và vẫn còn hoạt động đến ngày nay. Trong giai đoạn đầu, phần lớn các bộ phim trình chiếu được nhập từ châu Âu hoặc Hoa Kỳ, trong đó có một số phim rất được công chúng Hàn Quốc đón nhận như hai tác phẩm của đạo diễn huyền thoại D. W. Griffith, Broken Blossoms (1919) và Way Down East (1920), bộ phim Robin Hood (1922) của Douglas Fairbanks và hai bộ phim của đạo diễn Đức Fritz Lang, Nibelungen SiegfriedKriemhilds Rache (đều sản xuất năm 1924).

Hình quảng cáo phim Arirang của Triều Tiên năm 1926

Sự ra đời của ngành công nghiệp điện ảnh nội địa Triều Tiên gắn với ông chủ của rạp Dansung-sa Park Sung-pil, người đã bỏ tiền thực hiện bộ "phim" Triều Tiên đầu tiên, một vở kịch trên sân khấu có tựa đề Uirijeok Guto (의리적구토) được thu lại bằng kỹ thuật điện ảnh, và bộ phim tài liệu Phong cảnh thành phố Kyoungsoung, cả hai cùng được công chiếu tại rạp Dansung-sa ngày 27 tháng 10 năm 1919. Bộ phim điện ảnh thực sự đầu tiên của điện ảnh Triều Tiên có lẽ là một chuyển thể của Xuân Hương truyện (춘향전) được thực hiện vào năm 1921. Xuân Hương truyện là một tiểu thuyết khuyết danh nổi tiếng của Triều Tiên và cũng là tác phẩm được chuyển thể điện ảnh nhiều nhất, tính cho tới bộ phim chuyển thể của đạo diễn Im Kwon-taek năm 2000 thì đã có 14 bộ phim được xây dựng dựa trên cuốn tiểu thuyết này[4]. Theo một số nguồn khác[5][6] thì bộ phim thực sự đầu tiên được thực hiện ở Triều Tiên lại là một tác phẩm của đạo diễn Yun Baek-nam, bộ phim Ulha ui Mengse, được công chiếu tháng 4 năm 1923.

Kỷ nguyên vàng của phim câm: 1926-1930

Do là thuộc địa của Nhật Bản từ năm 1910, các hãng phim Triều Tiên chủ yếu do người Nhật điều hành. Một thương gia người Nhật tên là Orajo Yodo đã bỏ vốn thành lập hãng phim Choson Kinema Productions, hãng phim tiên phong của điện ảnh Hàn Quốc thời kì này. Năm 1926, Choson Kinema giao cho diễn viên trẻ Na Woon-gyu thực hiện bộ phim Nongjungjo (농중조), trong đó Na đảm nhiệm cả vai trò biên kịch, đạo diễn và thủ vai chính. Sau Nongjungjo, Na thực hiện bộ phim tiếp theo của ông, Arirang (아리랑, lấy theo tên bài hát phổ biến nhất ở nước này), đây là bộ phim đánh dấu kỉ nguyên vàng của các bộ phim câm Triều Tiên. Giống như nhiều phim Nhật Bản cùng thời, Arirang có thêm một người đọc thoại và lời dẫn, một byeonsa (변사, hay benshi trong tiếng Nhật) để thuyết minh cho các bộ phim câm.

Những năm cuối thập niên 1920, phim câm Triều Tiên đạt đến thời kì cực thịnh với hơn 70 tác phẩm ra đời trong thời kì này với chất lượng ngày một được nâng cao[7]. Trong số đó phải kể tới các bộ phim khác của Na Woon-gyu như Punguna (1926) và Deuljwi (1927). Na vào năm 1927 cũng hợp tác cùng Park Sung-pil mở một hãng phim độc lập với tiêu chí người Triều Tiên sản xuất phim cho người Triều Tiên. Tuy tồn tại trong thời gian ngắn, nhưng hãng này cũng cho ra đời được một số phim đáng chú ý như Jalitgeola (1927), Beongeoli Sam-ryong (1929) và Salangeul chajaseo (1929).

Phim có tiếng ra đời: 1930-1945

Nửa đầu thập niên 1930 chứng kiến sự sa sút của ngành công nghiệp điện ảnh phim câm Triều Tiên vì sự kiểm duyệt và đàn áp ngày một ngặt nghèo của chính quyền chiếm đóng. Số lượng phim ra đời trong thời gian này giảm xuống chỉ còn khoảng 2 hoặc 3 phim mỗi năm, trong khi nhiều tài năng của điện ảnh Triều Tiên lại rời sang làm việc tại Thượng Hải, trung tâm điện ảnh của châu Á thời đó. Bộ phim câm đáng chú ý duy nhất có lẽ là Imjaeobtneun naleutbae (1932) của đạo diễn Lee Gyu-hwan[8].

Bộ phim có tiếng đầu tiên của điện ảnh Triều Tiên được sản xuất năm 1935, đó là một chuyển thể khác của Xuân Hương truyện do Lee Myeong-woo đạo diễn[9]. Trong nửa cuối thập niên 1930, số lượng phim có tăng trở lại và nghệ sĩ điện ảnh đi đầu vẫn là Na Woon-gyu, trước khi đột ngột qua đời năm 1937, ông đã cho ra đời các bộ phim đáng chú ý như Kanggeonneo maeul (1935) hay Oh Mong-nyeo (1937). Tuy vậy giai đoạn này cũng không kéo dài được lâu khi sự kiểm soát của chính quyền đối với các phim có tiếng còn trở nên gay gắt hơn so với các phim câm, từ năm 1938 toàn bộ các phim sản xuất tại Triều Tiên đều do người Nhật thực hiện và từ năm 1942 sau khi Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ, việc sử dụng tiếng Triều Tiên bị cấm tuyệt đối trong điện ảnh[4].

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Điện_ảnh_Triều_Tiên http://www.latrobe.edu.au/screeningthepast/reruns/... http://www.latrobe.edu.au/screeningthepast/reruns/... http://www.imdb.com/Sections/Countries/NorthKorea/ http://www.imdb.com/name/nm1175930/ http://www.koreanmoviedb.com http://www.loveasianfilm.com http://www.nytimes.com/2004/08/27/world/a-mystery-... http://www.pusanweb.com/Exit/Oct97/briefhist.htm http://www.thingsasian.com/goto_article/article.32... http://www.asia.si.edu/KoreanFilm2004.htm